- “Ảnh anh chụp đẹp quá. Đúng là máy xịn có khác.”
Phiên bản khác: “Ảnh anh chụp đẹp quá. Không biết anh dùng máy gì mà chụp đẹp thế ạ?”
Phiên bản rút gọn:“Máy anh chụp đẹp thật!”
Phiên bản hỏi xoáy đáp xoay:“Mua máy gì để chụp đẹp ạ?”
Cảm ơn em, cái miệng em sao biết nói những câu sâu sắc quá, tôi phải học hỏi để nâng cao khả năng giao tiếp xã hội mới được. Ví dụ như khi đến nhà bạn gái, “Đồ ăn bác nấu ngon thật. Đúng là nhờ nồi chảo đắt tiền có khác.”
Gặp thằng bạn mới quen ở chỗ tập thể hình, “Người đẹp thế. Tao có tiền mua whey xịn như mày thì người cũng chẳng kém đâu.”
Gặp ông anh mê đàn hát, “Anh tư vấn cho em mua cái đàn nào đánh hay được như anh đánh đi.”
- “Anh A chị B chụp rẻ lắm mà, sao anh lấy đắt thế?”
Nhiếp ảnh hình như luôn bị người ta nhìn nhận từ những góc nhìn khá lạ.
Chúng ta đương nhiên chẳng ai vào một cửa hàng quần áo hàng hiệu hay một quán ăn sang trọng thắc mắc rằng tại sao đồ vỉa hè rẻ hơn, sao anh bán đắt thế nhưng lại đi đặt ra câu hỏi kỳ quặc trên cho những người chụp ảnh. Bạn tìm đến họ vì muốn tiết kiệm tiền hay vì thích sự khác biệt và độc đáo mà họ mang lại so với những cái tên khác? Hãy nhớ rằng tiền nào của nấy, những câu chuyện làm quen nhau như thế này đừng để vì cách mở đầu không đúng mực mà làm mất đi sự tôn trọng dành cho nhau. Chính vì vậy đây có lẽ là câu hỏi tôi luôn ngán ngẩm nhất trong mọi loại câu hỏi.
3. “Ngày X tháng Y tớ làm đám cưới/tổ chức tiệc tùng/tổ chức sinh nhật/mừng thọ bố già…, cậu đương nhiên là được mời, nhưng nhớ mang máy ảnh đi đấy!”
Ừ, ý hay đấy. Tốt nhất để tôi nhắn thêm cả thằng bạn làm cứu hỏa mang theo xe chữa cháy, con em làm DJ mang theo bàn xoay đến lo nhạc cho cả buổi, thằng em làm bartender mang theo rượu/đồ pha chế, ông chú bếp trưởng mang dao đến nấu ăn, ông anh mê đàn hát ở trên vác guitar đến đánh nhạc sống, bà chị bác sĩ mang thuốc đề phòng ngộ độc thực phẩm, thằng bạn đô con ở phía trên làm bảo vệ cho tiện.
Có một vấn đề đơn giản nhưng nhiều người không chịu hiểu, tôi đam mê gì đó không có nghĩa là tôi sẽ làm nó mọi lúc mọi nơi, nhất là khi nghỉ ngơi đi chơi thư giãn!
Biến thể 1: “Bao giờ chụp cho tao bộ ảnh miễn phí đi. Quen biết nhau mà cũng lấy tiền à?”
Biến thể 2: “Facebook/Fanpage tôi có rất nhiều người theo dõi. Chúng ta trao đổi, anh chụp ảnh tôi rồi tôi quảng cáo cho.”
- “Anh gửi tôi ảnh gốc được không?”
Đặc biệt hơn: “Tôi có quen anh trai con bạn bố của đồng nghiệp biết chỉnh Photoshop và anh ta sẵn sàng làm miễn phí. Chỉ gửi ảnh gốc không cần sửa ảnh chắc bớt được ít tiền nhỉ?”
Thế này thì sao: tôi đến quán ăn và bảo bếp trưởng cho xin một đĩa steak, nhưng ông ta chỉ cần áp chảo thôi còn bỏ lò nướng để về nhà tôi làm nốt cũng được, lò nướng ở nhà cũng khác gì lò ở quán đâu. Xong tiện thể anh bớt cho em ít tiền. Anh bếp trưởng mà đồng ý thì tôi sẵn sàng chấp nhận yêu cầu của bạn.
Nói thế này lại có nhiều người nghĩ “Chắc không dám đưa ảnh gốc vì sợ xấu chứ gì”. Tôi sẽ không phí thời gian tranh cãi với bất cứ ai nói câu này. Với tôi tầm nhìn của người chụp ảnh được thể hiện qua ba bước quan trọng không kém nhau: tiền kỳ, chụp và hậu kỳ. Mỗi bước đều đã được tôi lên kế hoạch kỹ lưỡng từ trước để cho ra đời một sản phẩm hoàn thiện nhất. Không ai lại giao sản phẩm chưa làm xong cho khách hàng cả,
- “Anh Photoshop như này được không?”
a) Chuyển tất cả thành đen trắng chứ riêng son môi để nguyên màu đỏ anh nhé.
b) Chỉnh cho vợ em da trắng, ngực to, bụng bé lại, mắt to, cằm nhọn…
c) Làm cho bốn góc ảnh thật tối vào ý. Cộng thêm màu giả phim với cả texture cho anh cũ cũ nữa.
d) Em thích màu sắc phải rực rỡ, tươi sáng, trông thanh thanh nhưng vẫn phải trong vắt, và hơi ám màu, mà ám vừa đừng bị ám quá. Như này, như này, như này và như này (cùng lúc gửi cho tôi bốn tấm ảnh không có điểm gì chung).
e) Thêm tia nắng với flare giả thì càng tốt ạ. Em thích nhất là mặt trời chiếu những chia sáng chói lóa qua khe nách ý.
f) Anh làm cho mắt em biết cười được không?
……..
Không. Không. Không. Không. Không và không.
6. Có học hành trường lớp gì đâu mà đòi theo chuyên nghiệp.
30% nhiếp ảnh gia của tạp chí danh tiếng National Geographic là những người không qua đào tạo trường lớp.
Những nhiếp ảnh gia huyền thoại trong quá khứ như Ansel Adams, Henri Cartier-Bresson, Eliot Porter, David Muench, Galen Rowell, Richard Avedon, Gene Stratton-Porter… đều không qua đào tạo trường lớp.
Theo kinh nghiệm thực tế của tôi thì:
– Không có tài năng vẫn thành chuyên nghiệp được. Cái thời đại này quảng cáo chiếm 50% thành công của mọi việc. Chỉ không thành những người đứng đầu hay huyền thoại được thôi.
– Tài năng của những ngành nghệ thuật như nhiếp ảnh không nằm ở việc đọc sách mà ở sức sáng tạo. Tất nhiên tôi không phủ nhận chỗ đứng và vị trí của những ngôi trường nghệ thuật – nhưng những người không theo học trường lớp thường có sức bùng nổ ghê gớm hơn nếu họ có thực tài.
- Ảnh đẹp như này chắc là nhờ Photoshop
“Chúng ta không chụp ảnh chỉ bằng cái máy ảnh. Chúng ta đưa vào nhiếp ảnh những quyển sách từng đọc, những bộ phim từng xem, những bài hát từng nghe và những con người ta yêu.”
Tạo nên các tác phẩm của người nghệ sĩ nhiếp ảnh là con mắt nhạy cảm, tri thức rộng lớn, sự kiên nhẫn và những kĩ năng chứ không phải là những dụng cụ mà anh ta sử dụng. Không phải cái máy ảnh, cũng không phải máy tính.
Leave a reply